Tin Tức

Nhà ở xã hội vẫn còn vướng nhiều thủ tục

Theo Bộ Xây dựng, sau 9 năm triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội, đến nay, cả nước mới đạt chưa đến 4 triệu m2 loại hình nhà ở này, đáp ứng được khoảng gần 40% chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Ngay đầu năm, tin vui đến với người lao động nghèo, người thu nhập thấp của Thủ đô: một số doanh nghiệp có uy tín trong ngành bất động sản đang và sắp triển khai xây dựng nhà ở xã hội.

Đó là công ty CP đầu tư và thương mại Thủ đô (Capital House) – một chủ đầu tư nổi tiếng trong ngành bất động sản với các dự án giá rẻ nhưng chất lượng không rẻ như Eco Home1, Eco Home 2. Ngay sau Tết Mậu Tuất 2018, Dự án Nhà ở xã hội EcoHome 3 sẽ chính thức được công ty triển khai.

Sẽ có thêm nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Minh Nguyên – Phó Tổng Giám đốc công ty Capital House, cho biết công ty đang ấp ủ dự án nhà ở xã hội Eco home 3 tại Đông Ngạc, hiện đang chờ quyết định cuối cùng của chính quyền cấp phép và đầu tư. Theo ông Nguyên, tuy là nhà ở xã hội nhưng công ty sẽ áp dụng toàn bộ chứng chỉ xanh, công nghệ xanh, đây là một cam kết với chủ trương kiến tạo cuộc sống xanh.

Tổng công ty Viglacera cũng đang tích cực đẩy mạnh các thủ tục để sớm triển khai xây dựng Dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại Kim Chung (Đông Anh) có quy mô 1.500 căn hộ và dự án ở Tiên Dương (Đông Anh) có quy mô 3.000 căn hộ trong năm 2018.

Từ khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng dành cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội kết thúc, rất nhiều người lao động Thủ đô vẫn mong ngóng và hy vọng vào một chương trình an sinh xã hội khác có điều kiện ưu đãi tương đương sớm quay trở lại.

Đã có lúc người mua nhà thu nhập thấp từng hy vọng khi được nghe thông báo gói 30.000 tỷ hết thì thay vào đó, Nhà nước sẽ triển khai Luật Nhà ở và Luật Nhà ở đề ra một khoản quy định là lãi suất ưu đãi cho người nghèo vay tiền mua nhà. Nghĩa là việc cho vay đối với người mua nhà sẽ được “luật hóa”, và người dân sẽ không quá lệ thuộc vào các gói hỗ trợ.

Như vậy, nguyên nhân quan trọng là trong khi chưa có nguồn tài chính khác để cho vay trung hạn và dài hạn với lãi suất thấp đối với phát triển nhà ở xã hội thì ở hầu khắp các địa phương – trong xác định quy hoạch sử dụng đất đã rất ít quan tâm dành quỹ đất nhà ở xã hội (tức quỹ đất 20%), cũng không quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Nếu không mạnh dạn áp dụng các cơ chế mang tính chất đòn bẩy đi đôi với biện pháp điều hành cương quyết, chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp không mặn mà với các dự án nhà ở xã hội do lợi nhuận bị khống chế không vượt quá 10% tổng giá trị công trình, trong khi chính các đơn vị cũng chưa tìm được nguồn vốn vay thuận lợi.

 

nha o xa hoi van con vuong nhieu thu tuc

 

Khuyến khích phát triển nhà giá rẻ

Ngoài khống chế lợi nhuận, các doanh nghiệp xây dựng còn vướng phải những thủ tục rườm rà trong triển khai dự án, trong xét duyệt các đối tượng… Tuy nhiên, với những doanh nghiệp như Viglacera, Capital House, việc giải bài toán về quỹ đất, về vốn, về lợi nhuận lại tuân thủ theo những nguyên tắc riêng.

Ông Nguyễn Minh Nguyên cho biết khi hạn chế tỷ suất lợi nhuận không quá 10% cộng thêm chi phí thực tế phát sinh đó là chi phí bán hàng không đưa vào hạch toán, 20% quỹ nhà ở sau khi xây dựng không được bán mà để cho thuê ít nhất 5 năm sau đó mới dược đưa vào bán hàng. Đây là điều khiến cho nhiều chủ đầu thư cảm thấy hiệu qủa về mặt tài chính không được cao.

Để hóa giải những ách tắc nêu trên, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục Quản lý Nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), chia sẻ vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận dành 2.000 tỷ đồng giai đoạn 2017-2020, trong đó dành khoảng 840 tỷ đồng nhà ở cho người có công với cách mạng, hơn 1.000 tỷ đồng bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để thực hiện cho vay đối với các khách hàng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Theo kế hoạch 2018, vốn sẽ được giao cho NHCSXH để triển khai cho vay.

Vừa qua, NHCSXH đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sắp tới Thủ tướng sẽ ban hành suất ưu đãi đối với các khoản vay này. Nguồn quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại sẽ dành để bố trí xây dựng nhà ở xã hội. Thêm nữa, các địa phương phải bố trí các khu đất độc lập, riêng lẻ dành để xây nhà ở xã hội.

Định hướng sắp tới, các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu, xã hội hoá, khuyến khích phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở giá thấp, quy mô căn hộ nhỏ, căn hộ hợp lý phù hợp với sức mua của người dân. Như vậy sẽ khuyến khích được nhiều thành phần hơn và hạn chế được vấn đề xét duyệt đối tượng, chờ vốn hỗ trợ ngân sách.

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động tích cực đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội.

Hy vọng trong thời gian tới, dù nguồn vốn từ ngân sách vẫn còn nhiều hạn chế nhưng với những giải pháp tích cực, chương trình phát triển nhà ở xã hội sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, hiệu quả.

Hỗ trợ trực tuyến
Bản đồ

Liên kết website

Scroll